Sáng tạo là đứng trên vai những người khổng lồ

Hoàng Xuân Thịnh

Tôi hay nghĩ về một số dân tộc trên thế giới này vì cách làm chủ số phận của họ luôn khiến tôi kính trọng, đó là dân tộc Nhật Bản và dân tộc Do Thái. Đây là hai dân tộc trong tốp đầu thế giới ngày nay về phát triển khoa học, công nghệ và kinh tế. Cả hai đều phát triển từ sau thế chiến thứ hai, Nhật Bản thì từ đống tro tàn, Israel thì trước đó, thậm chí còn không có cả lãnh thổ nữa. Cả hai đất nước của họ đều chả giàu có gì nếu không muốn nói là thiên nhiên khắc nghiệt, tài nguyên nghèo nàn, lãnh thổ Nhật Bản thì hay động đất, Israel đã nhỏ lại ở giữa sa mạc, nước ngọt hầu như không có. Không nhiều dân tộc làm được như họ, tôi hay tự hỏi họ đã làm gì để phát triển đất nước như vậy? Có thể là những gì tôi nghĩ dưới đây chăng?

Năm 1868 trong thời Minh Trị Thiên Hoàng, Nhật Bản chính thức mở cửa với thế giới Phương Tây, du nhập khoa học kỹ thuật và khoa học xã hội phương Tây. Trước hết là trào lưu học tập Hà Lan, sau là học tập các nước Anh, Pháp, Đức, Mỹ… Một trong những cách học của người Nhật, và có lẽ là cách học rẻ nhất, là dịch nguyên bản những cuốn sách nổi tiếng của Phương Tây sang tiếng Nhật. Từ thế kỷ XIX, những cuốn sách được dịch toàn cỡ như Bàn về tự do (J.S. Mill), Bàn về tinh thần pháp luật (Montesquieu), Bàn về khế ước xã hội (J.J Rousseau), Phê phán lý tính thuần túy (E. Kant), Hiện tượng học tinh thần (G.W.F Hegel), Tư bản luận (K. Marx)… Người Nhật đã dịch lý thuyết của Einstein ngay sau khi lý thuyết Tương đối của ông được phổ biến. Nhưng điều hay hơn là ở chỗ, những tác phẩm này sau khi được dịch đều được xuất bản hàng triệu bản ở một đất nước Nhật chỉ khoảng trên 30 triệu dân lúc đó. Đây là những năm khai sáng của dân tộc Nhật, trí thức thì có trách nhiệm phổ biến tri thức, còn người dân thì ham học. Chả trách chỉ sau vài chục năm, đến những năm thế chiến thứ hai, đất nước này đã đủ trí tuệ xây dựng một nền kinh tế và quốc phòng để gây ra cuộc chiến tranh với toàn châu Á – đúng là mặt tối của sự khai sáng. Nhưng sau khi đã bị thất trận tan tành mà người Nhật vẫn có thể xây dựng lại được đất nước huy hoàng hơn xưa. Họ sẵn lòng bắt tay với kẻ thù cũ là nước Mỹ, vay tiền của Mỹ theo kế hoạch Marshall để phát triển lại đất nước. Nếu trước đó không có khoảng 100 năm chuẩn bị tri thức và phổ biến tri thức cho toàn dân tộc thì người Nhật có thể sử dụng những đồng tiền đi vay hiệu quả đến mức như ta thấy không? Nếu sau sự thất trận cay đắng, những người lãnh đạo nước Nhật cay cú cắt đứt hoàn toàn quan hệ với Mỹ và Phương Tây thì điều gì sẽ xảy ra? Chắc chắn thời kỳ khai sáng trước đó đã đóng góp đáng kể nâng cao tư duy và tạo ra cách ứng xử mềm dẻo của toàn dân tộc và giới lãnh đạo Nhật Bản sau thế chiến thứ hai, họ đã ứng xử rất biện chứng theo những gì họ học được từ Kant, Hegel.

Số phận của người Do Thái còn ly kỳ hơn người Nhật. Dân tộc bị mất nước và phiêu bạt khắp thế giới hàng 2000 năm, mãi đến năm 1948 mới thành lập lại đất nước trên vùng đất mà tổ tiên họ đã từng sống. Theo những gì tôi biết thì người Do Thái trọng nhất hai thứ là … tiền và tri thức. Phiêu bạt và bị xua đuổi khắp thế giới, nhưng đi đến đâu họ cũng tích lũy hai thứ đó, có tri thức là có nghề nghiệp, có nghề nghiệp thì có tiền để sống và để tích lũy, tiền là thứ dễ mang theo nhất nếu lại phải phiêu bạt. Lạ lùng nhất đối với tôi là cách giữ gìn bản sắc và dòng máu Do Thái của dân tộc này qua hàng ngàn năm tha phương, trước hết là giữ gìn qua Do Thái giáo, qua ngôn ngữ Do Thái, những cuộc hôn nhân dị chủng giữa thiếu nữ Do Thái và đàn ông tộc người khác sẵn sàng được chấp nhận miễn là con cái đẻ ra mang họ mẹ và theo Do Thái giáo. Còn hôn nhân giữa người đàn ông Do Thái và thiếu nữ tộc người khác thì lại… không được chấp nhận do con đẻ ra chưa chắc đã mang dòng máu Do Thái. Hàng nghìn năm chạy nạn đã tạo cho người Do Thái một sức sống dẻo dai, bền bỉ, họ đã tích lũy tri thức đủ để chỉ sau chừng bốn, năm chục năm lập lại đất nước, từ chỗ ăn chưa đủ no đến chỗ đứng đầu thế giới về nông nghiệp công nghệ cao (canh tác với cực ít nước), đứng đầu thế giới về công nghiệp phần mềm, về công nghiệp thiết bị viễn thông, chế tác kim cương… Họ đã xây dựng lại đất nước một cách đích đáng, một lần là xong. Chỉ vài chục năm thôi…

Người Nhật và người Do Thái đã tiếp nhận tri thức của loài người từ tận nguồn, từ những gì tinh hoa nhất mà loài người đã đúc kết được. Trong số những người tạo nên tri thức nguồn đó có không ít người Do Thái, Karl Marx và Einstein chẳng hạn. Triết học giúp họ làm giáo dục, nâng cao và làm mềm tư duy của dân tộc, tri thức khoa học và công nghệ giúp họ phát triển kinh tế. Trong hai dân tộc này thì người Nhật đã học hoàn toàn từ tri thức Phương Tây, học một cách nhẫn nại và bền bỉ, người Do Thái thì vừa góp phần làm giàu tư duy loài người, vừa học từ đó. Học tri thức từ tận nguồn giúp họ rút ngắn thời gian phát triển, họ không phải đi qua những đau khổ mà người Phương Tây phải đi qua khi phát triển tri thức của mình (ví dụ như trường hợp Côpecnic bị thiêu chết, Galinê bị giam cầm…), tri thức mà họ tiếp nhận là tri thức đã được tinh lọc. Họ không đi lại con đường mà loài người đã đi qua, họ đã phát triển và sáng tạo bằng cách ĐỨNG TRÊN VAI NHỮNG NGƯỜI KHỒNG LỒ.

24/04/2009

5 bình luận

Filed under Các bài viết

5 responses to “Sáng tạo là đứng trên vai những người khổng lồ

  1. NguyenThanhThuy

    Cảm ơn blogger,
    Những bài viết với những suy nghĩ và trăn trở của tác giả cũng là những trăn trở của tôi, tôi rất đồng cảm với những ý kiến đó. Những ý kiến giúp nâng tầm suy nghĩ của người đọc, giúp khai mở ra những khả năng mới của mọi người với sự nhiệt thành vì sự phát triển của đất nước.

  2. duymanvu

    Bài viết hay và ý tưởng về phát triển/sáng tạo cũng rất hay.

  3. sata2009blog

    Cháu chào chú Mẫn, cháu cám ơn chú đã đọc và nhận xét. Kính chúc chú sức khoẻ!

Bình luận về bài viết này